Viện Hải Dương học Nha Trang với hàng nghìn sinh vật biển quý hiếm cùng với những bộ mẫu vật “khủng” chắc chắn sẽ khiến bạn hoàn toàn thích thú.
Viện Hải Dương học nằm cách trung tâm thành phố Nha Trang 6 km. Năm 1923 người Pháp đã khánh thành viện với diện tích 20ha và chọn Cá Mao Tiên làm biểu tượng cho viện Hải Dương học (Loài cá này vốn được gọi là “công chúa biển”).
Nơi đây không chỉ là viện nghiên cứu về hải dương học, môi trường biển, sinh vật biển,… mà còn là điểm du lịch vô cùng hút khách tại Nha Trang. Hãy cùng tìm hiểu 5 lý do mà du khách nhất định nên đến viện Hải Dương học nhé.

Cá Mao Tiên – Biểu tượng của viện Hải Dương học Nha Trang. Loài cá này còn được mệnh danh “công chúa biển”. Chúng sở hữu vũ khí tự vệ là chiếc vây lưng sắc nhọn chứa chất độc. Nguồn: Vietfuntravel
Nơi lưu giữ hàng nghìn sinh vật biển
Với sự đa dạng sinh vật biển, sở hữu các mẫu vật giá trị quý hiếm, bảo tàng Hải Dương học đã trở thành địa chỉ thu hút giới nghiên cứu mà còn đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Du khách sẽ phải choáng ngợp bởi bởi hàng nghìn mẫu sinh vật biển vô cùng đa dạng, phong phú và quý giá tại nơi đây; với khoảng 23.000 mẫu thuộc 5000 loài (thuộc các nhóm: Thực vật biển, Hải miên, Ruột khoang, Thân mềm, Giáp xác, Da dai, Cá, Bò sát, Thú biển)
Không chỉ phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, viện Hải Dương học cũng được coi như là bảo tàng lưu giữ các mẫu vô cùng quý hiếm như: Cá tầm, Cua vua, Trai khổng lồ, Mực bay khổng lồ,….

Cá mặt quỷ hay còn gọi là cá đá, có hình thức ngụy trang đặc biệt. Phần gai với hình thù kỳ lạ cũng chứa độc tố mạnh. Tuy nhiên, thịt cá không có độc và là một món đặc sản.

Hải quỳ ống, hay còn được gọi là “cây dừa biển” bắt mồi bằng những chiếc tua râu vươn ra ngoài. Khi gặp nguy hiểm chúng co râu vào trong ống, hoặc trầm mình dưới lớp trầm tích để lẩn trốn.
Ngoài những mẫu có giá trị khoa học, Bảo tàng còn lưu giữ nhiều mẫu quí hiếm như: Cá Tầm (Acipenser sinensis), Cua Vua (Paralithoides sp.), Cá Mặt trăng đuôi nhọn (Masturus lanceolatus), Trai khổng lồ (Tridacna gigas) nặng 145kg, Mực bay khổng lồ (Thysanoteuthis rhombus), Cá Ông Chuông (Pseudorca crassidens), Hải Cẩu (Phoca larga) v.v…

Cá tầm khổng lồ

Tháng 10/2012 Bảo tàng Hải dương học được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam (VietKings) chính thức xác lập và công bố “Nơi lưu trữ bộ mẫu sinh vật biển lớn nhất”.
Nơi dòng biển nóng lạnh gặp nhau
Dòng biển nóng từ xích đạo đi lên và dòng biển lạnh từ phía Bắc chảy xuống. Hai dòng biển khác tính gặp nhau tạo ra vùng biển có nhiệt độ vừa phải, tạo ra chuyển dịch dòng nước theo chiều lên xuống. Dòng nóng đi lên, dòng lạnh đi xuống giúp hải sản phân bố rộng vầ đa dạng hơn bình thường. Từ đó, tạo ra ngư trường rộng lớn

Dòng biển nóng lạnh gặp nhau tạo nên ngư trường rộng lớn. Nguồn: nhatrangtoday.vn
Bởi vậy mà vùng biển Nha Trang là vùng biển đa dạng sinh học bậc nhất tại nước ta hiện nay. Kết hợp với khí hậu ôn hòa, sinh vật biển di chuyển về đây nhiều hơn đã trở thành nguồn tài nguyên biển vô cùng quý giá phục vụ cho công tác nghiên cứu và khai thác taij viện Hải Dương học
Công viên Trường Sa – nét độc đáo trong tuyên truyền chủ quyền biển đảo
Có một nét độc đáo rất riêng tại viện Hải Đương học là công trình Công viên Trường Sa. Tại đây trưng bày và mô phỏng lại các đặc trưng nhất của quần đào Trường Sa như cột mốc chủ quyền, cây bàng vuông, đèn hải đăng,…Công trình khánh thành vào ngày 14/9/2017 – nhân kỷ niệm 95 năm thành lập Viện Hải dương.

Cột mốc chủ quyền, cây bàng vuông trong công viên Trường Sa. Nguồn: vast.ac.vn
Ấn tượng nhất là Bản đồ 3D mô phỏng địa hình đáy Trường Sa. Qua nhiều nghiên cứu, khảo sát các nhà địa chất đã thu thập số liệu và thiết kế. Với những ai chưa từng đặt chân đến Trường Sa thì cũng hiểu được vị trí, độ sâu, bãi cạn, đồi ngầm,… tại quần đảo này

Mô hình 3D đáy biển quần đảo Trường Sa. Nguồn: vnio.org.vn
Công viên Trường Sa đã mang Trường Xa thân yêu thu về trong lòng thành phố nhỏ với những nét đặc trưng nhất. Nó cũng dần bồi đắp tình yêu quê hương biển đảo cho mỗi người đặc biệt là ý thức về chủ quyền đất nước
Bảo tàng khoa học đầu tiên tại Việt Nam
Việc lưu giữ hàng nghìn hiện vật, sinh vật biển,… đã giúp bảo tàng Hải Dương học đón hàng trăm ngàn nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài nước đến tìm hiểu mỗi năm để phục vụ công tác nghiên cứu học tập.

Hệ thống thư viện tiêu bản phục vụ nghiên cứu. Nguồn: khanhhoaxanh.org.vn
Bảo tàng thực hiện các công tác như: nuôi dưỡng nhiều loài sinh vật biển; phổ biến kiến thức về hải dương học, lưu giữ các hiện vật thu thập từ mọi miền tổ quốc,… và nhiều công tác khác. Bảo tàng này được đánh giá là một bảo tàng lớn vào bậc nhất của vùng Đông Nam Châu Á.
Điểm check in cực ấn tượng
Đến với viện Hải Dương học Nha Trang, bạn sẽ được mãn nhãn bởi những mẫu vật lớn, khổng lồ trưng bày tại đây. Đó sẽ là điểm check in ấn tượng khiến mọi người đều phải trầm trồ.
Hoành tráng, nổi bật và ấn tượng nhất là bộ Xương cá voi lưng gù khổng lồ được người dân xã Hải Cường huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định khai quật được vào năm 1994, sau đó chuyển về viện Hải Dương học. Bộ xương chôn vùi dưới lòng đất 1,2m, dài 18m, nặng gần 10 tấn.

Bộ xương cá Voi lưng gù (Megaptera novaeangliae) khổng lồ (dài 18 mét, nặng 10 tấn) đã bị chôn vùi trong lòng đất ở đồng bằng sông Hồng ít nhất là hơn 200 năm nay. Ảnh: infonet

Bộ xương Bò biển

Trai khổng lồ
Những lưu ý khi thăm quan
Giờ mở cửa viện Hải Dương học Nha Trang:
6h – 18h tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày lễ.
Giá vé vào cửa Viện Hải Dương học Nha Trang
Người lớn: 40.000 đồng/người/lượt.
Sinh viên: 20.000 đồng/người/lượt.
Học sinh: 10.000 đồng/người/lượt.
Thuyết minh : Nếu có nhu cầu liên hệ với nhân viên bảo tàng.
Không thu phí tham quan Bảo tàng Hải dương học đối với khách tham quan là người khuyết tật đặc biệt nặng, trẻ em dưới 6 tuổi hoặc trẻ em có chiều cao dưới 1,2m.
Giảm 50% mức phí tham quan Bảo tàng Hải dương học đối với các trường hợp: Các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hoá; Người cao tuổi; Người khuyết tật nặng theo quy định.
Nếu đã đến thành phố Nha Trang xinh đẹp, đừng quên ghé thăm Viện Hải Dương học để chuyến đi của bạn thêm thú vị nhé.